Một người Mỹ có cha mẹ Việt Nam đi di tản năm 1975 cho biết cuộc khủng hoảng danh tính đã đưa anh vào hành trình khám phá nguồn gốc dân tộc của mình ở bên kia bán cầu. Hiện anh sống ở vùng xa Tây Bắc Việt Nam, giúp các nhóm dân tộc thiểu số tiếp thị hàng hóa.
Daniel Nguyễn Hoài Tiến, sinh ra ở California năm 1988 và cha mẹ muốn Tiến là người Mỹ thật sự, Tiến nói rằng anh đã tìm thấy mục đích thực sự trong cuộc sống của mình sau khi qua lại giữa hai nền văn hóa trong nhiều năm.
“Tôi muốn vẽ một bức tranh trong đó có những người tuy không có nhiều tiền nhưng lại có được một cái gì đó đẹp hơn – thiên nhiên. Đây một nhiệm vụ của tôi,” anh nói về công việc giúp đỡ nông dân của mình. “Làm thế nào để tôi nói với mọi người về vẻ đẹp mà tôi đã nhìn thấy và làm thế nào để tôi kể những câu chuyện theo cách tôi đã chứng kiến?”
Cha mẹ Tiến hiếm khi nói về Việt Nam và những gì anh biết chỉ giới hạn trong các món ăn dân tộc mà Tiến được cha mẹ cho ăn mỗi tuần một lần.
“ Điều đó quá hời hợt, không đủ để tìm hiểu về một nền văn hóa, một đất nước,” Tiến nói với Vietnam News.
Tiến bắt đầu đặt nhiều câu hỏi hơn ở trường cấp hai khi nhận thấy mọi người đối xử với anh khác biệt vì vẻ ngoài. Có một lần, hai nhân viên cảnh sát đã yêu cầu anh và một số người bạn xuất trình giấy tờ tuỳ thân trong một cửa hàng sách. Cảnh sát yêu cầu họ đi chỗ khác, khi một cảnh sát nói: “ Đây không phải là nơi để học.”
Mẹ muốn Tiến trở thành “người Mỹ hoàn toàn” để không phải bị phân biệt đối xử như bà đã gặp phải khi mới qua Mỹ. Nhưng điều đó đã không tạo ra một chút khác biệt nào, vì Tiến thường bị bắt nạt ở trường do khác màu tóc và màu da.
“Điều đó làm cho động cơ tìm hiểu về Việt Nam trong tôi mạnh mẽ hơn. Nếu bạn không biết bạn là ai thì rất khó liên hệ với phần còn lại của nước Mỹ,” Tiến nói.
Năm thứ nhất ở trường đại học, Tiến bắt đầu học tiếng Việt, và năm 2008, Tiến nói với cha mẹ rằng anh muốn về thăm quê hương. Chuyến trở về là một trải nghiệm đầy xúc động cho tất cả mọi người.