Charlottetown on Prince Edward Island, Canada.  Photo: Wikimedia Commons.
Charlottetown on Prince Edward Island, Canada. Photo: Wikimedia Commons.


Khi Thien Tang 14 tuổi, cậu bé lên một chiếc thuyền quá tải ở Việt Nam và bắt đầu hành trình đến Canada, trong suốt hành trình đó, cậu bị cướp biển cướp, bị cảnh sát bắn và bị lính canh tại một trại tị nạn đánh.

“Chúng ta sống trong hai thế giới nơi có những mong đợi khác nhau. Khi bạn là người tị nạn, bạn luôn là người tị nạn. Tôi chấp nhận điều này như là một khiếm khuyết trong cuộc đời – tôi không bao giờ có thể hoàn toàn được tự do trong tâm trí” ông nói trong một bài báo do tờ The Journal Pioneer ở Canada thực hiện.

Ba mươi năm sau cuộc tẩu thoát đầy kịch tính, Tang đã viết một cuốn sách về kinh nghiệm của mình, ông hy vọng sẽ giúp mọi người hiểu về những khó khăn và những định kiến mà những người tị nạn phải đối mặt. Được đặt tên là “The Other Side of the Sun”, quyển sách là một câu chuyện gây sốc về những nỗ lực của một cậu bé để sống sót qua những thách thức khắc nghiệt.

Ông thừa nhận rằng việc viết sách đó “đào sâu vào các góc tối nhất trong tâm trí của tôi để móc ra những mảnh ký ức buồn, cẩn thận xử lý chúng như cầm quả lựu đạn trên tay”.

Tang là con trai của một doanh nhân người Hoa giàu có, lúc bấy giờ sống ở miền Nam- Việt Nam, là đối tượng bị nhắm đến sau khi Đảng Cộng sản tiếp quản vào năm 1975. Trong sự hối thúc của cha mình, ông tham gia cuộc di cư của dân tộc Hoa vào năm 1979, đi qua vùng biển phía Nam Biển Đông nguy hiểm đến Malaysia .

Ông thừa nhận: “Chúng tôi đã nghe trên đài phát thanh về tàu thuyền bị cướp biển tấn công, bị lạc trên biển, đói và bão” ông nói thêm, phần đáng sợ nhất khi ở trên biển: “Đó là cái chết luôn chực chờ.”

Chiếc thuyền quá tải của ông bị những tên cướp biển trang bị dao tấn công, chúng dùng mọi cách để cướp đi bất cứ thứ gì có giá trị từ những hành khách đang sợ hãi, kể cả tiền mà Tang chuẩn bị để bắt đầu cuộc sống mới.

“Tôi là người đầu tiên trong tầm mắt của chúng, người đầu tiên sẽ chết khi chúng tiến đến chiếc thuyền. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác nhìn chúng bơi lại gần tôi hơn, với con dao đang ngậm trong miệng và cảm giác cái chết đang đến gần,” ông nhớ lại.

Những người tị nạn sống sót qua cuộc chạm trán đó, nhưng điều tồi tệ hơn xảy ra khi họ vào đến đất liền. Họ bị cảnh sát Malaysia bắn, sau đó bị đưa đến trại tị nạn được bao bọc xung quanh bằng dây thép gai, nơi họ bị tra tấn, đánh đập và bỏ đói bởi những người bảo vệ tàn nhẫn.

“Cha tôi luôn có kỳ vọng cao đối với chúng tôi, nhưng khi chúng tôi trở thành những người tị nạn, chúng tôi đã bị đánh đập quá nhiều về mặt thể xác lẫn tinh thần, đến mức quan điểm của chúng tôi đã ra khỏi khuôn khổ của sự giàu có. Lúc bấy giờ, còn sống sót là chúng tôi đã vui mừng lắm rồi.” Tang nói.

Thử thách của ông kết thúc sau 37 tháng, khi ông được Canada chấp nhận tái định cư. Sau khi trở thành công dân Canada vào năm 1983, Tang đã có thể bảo lãnh cho cha mẹ và chị gái của mình đến cư trú tại nơi ông được chấp nhận.

Hiện ông đang sống ở Charlottetown trên Đảo Prince Edward, nơi ông làm lập trình viên máy tính với công ty riêng.

Tang hy vọng cuốn sách của ông sẽ truyền cảm hứng cho những người tị nạn khác kể lại câu chuyện của họ.

Ông gợi ý: “Có nhiều người tị nạn trên thế giới và tôi nghĩ rằng tất cả họ cũng đều có những câu chuyện của riêng mình, mà không có nơi để họ thổ lộ. Có lẽ lần sau khi bạn gặp một số người tị nạn, bạn sẽ có gắn câu chuyện của tôi với những gương mặt vô danh đó để họ cảm thấy như thể bạn biết họ vậy.”

Original: Dark tale of survival: one teenager’s journey to a new life